Cùng con làm bài tập về nhà
Cha mẹ cùng tham gia và hướng dẫn con trong việc làm các bài tập về nhà sẽ giúp trẻ bớt “sợ” bài tập hơn và đạt kết quả tốt hơn
Tạo môi trường thích hợp
“Sao không ngồi yên học bài mà cứ chạy ra chạy vào hoài vậy con?”, “Ngồi yên làm bài đi con!”… Tối nào bé Phương Anh (lớp 3) cũng bị ba mẹ nhắc nhở trong chuyện làm bài tập về nhà và chuẩn bị bài ngày mai, vì từ khi ngồi vào bàn học tới lúc đóng tập vở lại, bé nhấp nhổm không dưới 5 lần. Mẹ Phương Anh băn khoăn “Không hiểu sao con bé không tập trung học được, ngồi học mà việc gì phòng ngoài người lớn nói nó cũng biết!”.
Theo các chuyên gia tâm lý, trước khi đòi hỏi sự tập trung ở trẻ, phụ huynh cần xem mình đã tạo được môi trường thích hợp cho trẻ yên tâm học tập hay chưa. Nếu bé học trong phòng mà ở ngoài bố mẹ bật ti-vi hoặc anh trai của bé nghe nhạc với âm lượng hơi lớn thì bé khó mà tập trung được.
Để việc làm bài tập ở nhà của trẻ có kết quả tốt, Phụ huynh cần |
Trường hợp Phương Anh, tối nào đến giờ học của bé bác hàng xóm cũng mang bé con 12 tháng tuổi sang chơi, mẹ Phương Anh vô tư trò chuyện cùng bạn và chơi với cháu, không biết con mình cũng rất muốn chạy ra để “bế em”. Điều quan trọng đầu tiên mà phụ huynh cần nhớ là phải tạo một không gian yên tĩnh cho việc học của trẻ: ít tiếng chuyện trò, cười nói, không có tiếng ti-vi, radio. Trước khi trẻ ngồi vào bàn học, phụ huynh cũng cần kiểm tra để chắc chắn là trẻ đã có đủ dụng cụ cần thiết như sách vở, bút, thước kẻ, que tính, máy tính…
Đặt ra giờ học hợp lý
Phụ huynh không nên bắt trẻ học ngay khi trẻ vừa từ trường về mà cần tạo một khoảng thời gian cho trẻ nghỉ ngơi, thư giãn. Nhiều gia đình giục giã con học ngay sau khi ăn cơm, điều này không tốt cho dạ dày của trẻ. Tốt nhất là cùng ngồi với bé để lên một lịch học thích hợp, không trùng với các hoạt động khác như chơi thể thao, đọc truyện, xem phim hoạt hình… để bé quen với khái niệm “làm bài tập ở nhà”. Thời gian định ra cho việc làm bài tập cũng cần phải ổn định, không nên thay đổi, nhưng có thể cho bé nghỉ giải lao ít phút nếu thấy việc học của bé căng thẳng.
Có nên học cùng con?
Có những phụ huynh thích ngồi cạnh để theo dõi “nhất cử nhất động” của con mình trong lúc bé làm bài tập ở nhà. Nên nhớ, nếu việc giám sát thường xuyên của cha mẹ sẽ mang lại nhiều ích lợi cho các bé đang học lớp 1, 2 thì với những bé học lớp lớn hơn, cha mẹ cần khuyến khích sự tự giác hoàn thành bài tập của các bé. Hãy nói trẻ tự làm hết sức có thể trước, nếu không gặp khó khăn gì thì có thể chuyển sang những bài tập ở các môn học khác, và cũng cho trẻ biết bạn sẵn lòng giúp đỡ trẻ nếu trẻ không tìm ra cách giải quyết một bài tập nào đó. Dù thế nào chăng nữa, cái phụ huynh cần làm là chỉ cho trẻ hướng giải quyết vấn đề chứ không phải làm giúp trẻ 100%.
Nếu trẻ hoàn thành tốt bài tập ở nhà, phụ huynh nên khen ngợi, động viên kịp thời. Những lời khen đơn giản như “Con mẹ giói quá!”, “Hôm nay Bin làm bài tập rất nhanh và tự giác đấy bố ạ”, sẽ làm trẻ cảm thấy tự hào, tự tin, tác động rất tốt đến tinh thần học tập của trẻ.
Nguyên Thảo (Theo TNTT>)
Bùi Thị Diễm @ 10:14 08/10/2013
Số lượt xem: 1156
- Rèn kỹ năng học và ham học của trẻ lớp 1 (23/09/13)
- ‘Tâm thư’ của thầy Văn Như Cương gửi cha mẹ học sinh (06/09/13)
- Học lớp 2 có gì hay? (31/08/13)
- "Cho trẻ học trước khi vào lớp 1 là bắt chín ép" (01/04/13)
- Giáo dục trong gia đình - điều kiện để con cái trưởng thành (14/11/12)